Một cửa hàng thời trang đường Lê Văn Sỹ (quận 3) treo biển "Sale trả mặt bằng" giữa mùa mua sắm sôi động cuối năm Black Friday - Ảnh: NHẬT XUÂN
Một cửa hàng thời trang đường Lê Văn Sỹ (quận 3) treo biển "Sale trả mặt bằng" giữa mùa mua sắm sôi động cuối năm Black Friday - Ảnh: NHẬT XUÂN
Không ít thương hiệu thời trang Việt "hụt hơi", rút khỏi thị trường cao điểm cuối năm - Ảnh: N.X.
Ông Phạm Văn Việt, phó chủ tịch Hội Dệt may TP.HCM, cho biết Trung Quốc đã tận dụng lợi thế công xưởng toàn cầu, sản xuất số lượng lớn với giá rẻ, cùng chiến lược giảm giá mạnh để chiếm lĩnh thị trường.
"Ngoài ra quy trình sản xuất linh hoạt, ứng dụng công nghệ cao giúp họ thay đổi thiết kế nhanh chóng, chỉ trong vài ngày. Ngược lại doanh nghiệp Việt thường sản xuất theo kế hoạch dài hạn, kéo dài 2 - 3 tháng", ông Việt nói.
Ông Daniel Chan, sáng lập Công ty Intereras, nhận định các thương hiệu Trung Quốc sử dụng AI và big data để tối ưu hóa sản xuất và bán lẻ. Nhờ đó, các doanh nghiệp này nhanh chóng bắt kịp xu hướng, giữ tồn kho thấp và đáp ứng nhu cầu thị trường với đa dạng mẫu mã.
Trong khi đó, trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Nguyễn Văn Khánh, phó chủ tịch Hội Da giày TP.HCM, cho rằng việc nhiều thương hiệu Việt thua ngay trên sân nhà chủ yếu do nguồn hàng đơn điệu, giá không cạnh tranh lại, và đặc biệt tiềm lực tài chính quá yếu.
"Các thương hiệu quốc tế thường là thương hiệu đa quốc gia với số vốn khổng lồ nên tự tin chạy chương trình giảm giá, quảng bá liên tục để giành thị phần. Còn thương hiệu Việt, tài chính yếu nên chỉ thua lỗ thời gian ngắn sẽ dần đi vào khó khăn, phá sản. Ngành kinh doanh thời trang nếu làm lớn thì rất cần tiềm lực tài chính mạnh", ông Khánh nói.
Nhiều chuyên gia cho rằng nhu cầu thị trường không tăng nhiều do kinh tế còn khó khăn trong khi số lượng người bán, lượng hàng tăng mạnh dẫn đến xung đột. Cụ thể, cũng "miếng bánh" đó nhưng doanh nghiệp ngoại phát triển, hàng ngoại chiếm lĩnh nên hàng nội phải thất thế, thu hẹp là điều dễ hiểu.
Để tồn tại, theo một số chuyên gia, các thương hiệu Việt nên chọn thị trường ngách, ít chịu sự cạnh tranh hoặc chấp nhận sự đầu tư từ các ông chủ lớn, hoặc làm đơn vị phân phối cho những thương hiệu đã có tiếng.
"Thị trường ngách có thể chuyên biệt một dòng quần áo hoặc giày dép nào đó mà các nhà sản xuất khác chưa đầu tư mạnh. Có thể lượng khách không phổ biến nhưng cái hay là ít chịu cạnh tranh" - ông Ngô Văn Đồng, chủ cơ sở may Văn Đồng (TP Thủ Đức), nhận định.
Hàng ngoại, nhất là hàng Trung Quốc giá rẻ ngày càng tràn ngập thị trường Việt Nam, áp đảo hàng Việt do giá "rẻ như cho", mẫu mã đa dạng, giao hàng nhanh... Số tiểu thương chọn bán hàng Trung Quốc cũng tăng mạnh.
Dù đang vào mùa mua sắm cuối năm, nhưng dọc những con đường mua sắm nổi tiếng tại TP.HCM như Nguyễn Trãi (quận 1), Quang Trung (quận Gò Vấp) hay Lê Văn Sỹ (quận 3)..., từng là những đại bản doanh của hàng may mặc Việt - nhiều cửa hàng chỉ còn là tấm bảng hiệu, mặt bằng bị bỏ trống.
Trong khi đó ghi nhận tại các chợ sỉ lớn ở TP.HCM như chợ Hạnh Thông Tây, chợ Tân Bình - những địa chỉ từng nổi tiếng về cung cấp quần áo Việt giá rẻ - nay cũng tràn ngập sản phẩm nhập khẩu từ Trung Quốc. Thời trang Việt dường như đang mất dần chỗ đứng.
Kinh doanh tại chợ Hạnh Thông Tây (Gò Vấp) hơn 10 năm nay, bà Ngô Thị Đạt cho biết dù nhiều người dùng có tâm lý bài xích hàng Trung Quốc nhưng với giá tốt, mẫu mã quá đa dạng... nên 70 - 90% những sản phẩm được bán ở chợ này như giày dép, quần áo, phụ kiện thời trang... đều là hàng Trung.
"Giá bán của hàng Trung Quốc rẻ bèo, như hàng phụ kiện thời trang, kẹp tóc chỉ 1.000 - 2.000 đồng, quần áo và dép nhiều loại chỉ vài chục nghìn đồng/sản phẩm nên nó tràn ngập cũng dễ hiểu", bà Đạt lý giải.
Không chỉ ở chợ, những thương hiệu thời trang Việt cũng dần thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Lep’ - thương hiệu váy hoa nhí từng được các tín đồ thời trang ưa chuộng - vừa thông báo sẽ chính thức đóng cửa vào ngày 30-11, khép lại hành trình 8 năm đầy tiếc nuối.
Trước đó, chuỗi thời trang có tiếng như CATSA - với hơn 13 năm hoạt động - cũng tuyên bố đóng cửa toàn bộ 22 cửa hàng. Nhiều thương hiệu lớn khác như Giian, IVY moda phải thu hẹp hoạt động, trong đó IVY moda "khai tử" dòng IVY men sau 5 năm hoạt động
Nhìn lại năm 2010, từng là giai đoạn bùng nổ của thời trang Việt, khi hàng loạt thương hiệu nổi bật như The Blues, Canifa, PT2000, Nem, Elise, IVY moda... ra đời, phủ sóng tại các tuyến phố lớn ở Hà Nội và TP.HCM. Tuy nhiên sau hơn một thập niên, nhiều cái tên đã thu hẹp, thậm chí dần biến mất...
Không chỉ ở thị trường truyền thống, thời trang Việt dường như cũng bị lép vế trên các sàn thương mại điện tử. Chẳng hạn, theo báo cáo quý 3-2024 của Metric, Lovito - thương hiệu thời trang giá rẻ Trung Quốc - đang chiếm lĩnh tốp đầu ngành hàng thời trang online tại VN, với mức tăng trưởng ấn tượng 517% so với cùng kỳ.
Với chiến lược "giá sốc", Lovito tung ra loạt sản phẩm như áo chỉ từ 50.000 đồng, váy từ 100.000 - 200.000 đồng, thậm chí có những đợt flash sale áo 16.000 đồng hay phụ kiện chỉ 1.000 đồng. Thương hiệu này còn liên tục "bắt trend" các ngày lễ như 20-10, Halloween, Giáng sinh để thu hút khách hàng trẻ.
Tại các trung tâm thương mại lớn như Vincom Đồng Khởi, Takashimaya hay Saigon Centre, vị trí đẹp đều thuộc về các thương hiệu ngoại như H&M, Zara, Uniqlo... Với tiềm lực tài chính mạnh, chiến lược giá linh hoạt và mẫu mã đa dạng, các "ông lớn" quốc tế dễ dàng chiếm lĩnh thị trường và ngày càng mở rộng kinh doanh.
Các thương hiệu thời trang này thường xuyên chạy các đợt khuyến mãi lớn, cũng như quảng bá thương hiệu gần như khắp nơi. Đặc biệt những dịp sale lớn trong năm như: Khuyến mãi tập trung, Black Friday, Ngày lễ độc thân 11-11... đều giảm sâu, có thương hiệu giảm giá đến 90% để hút khách.
"Chúng tôi chấp nhận giảm giá thường xuyên, bán không lợi nhuận giai đoạn đầu để quảng bá mạnh thương hiệu đến người dùng, giành lấy khách hàng từ từ. Thời trang là kênh kinh doanh khó, nhưng nếu kinh doanh tốt sẽ mang lại lợi nhuận lớn", đại diện quản lý một thương hiệu thời trang nước ngoài nói.
Theo thông tin của thương hiệu thời trang đến từ Nhật Bản - Uniqlo, hệ thống này liên tục mở rộng phạm vi hoạt động và đã có đến 26 cửa hàng tại VN, phần lớn đều nằm ở vị trí đắc địa. Mới đây, cửa hàng Uniqlo Parc Mall (quận 8) khai trương ngày 8-11, nằm trong trung tâm thương mại lớn nhất khu vực với hơn 130 thương hiệu quốc tế.
Ngoài mẫu mã rất đa dạng với gần như đủ mọi phân khúc thời trang, thương hiệu đến từ Nhật Bản thường xuyên áp dụng chương trình khuyến mãi để hút khách, và đặc biệt là có đơn vị truyền thông rất chuyên nghiệp để đưa thương hiệu này trở nên thân quen với khách Việt.
Trong khi đó, với kinh doanh đa dạng ngành hàng từ thời trang, mỹ phẩm - làm đẹp, nhà cửa - đời sống, theo thông tin từ TokyoLife, đơn vị này đã có mặt ở hàng chục tỉnh thành với số lượng lớn cửa hàng, trong đó Hà Nội 39 cửa hàng, Hải Phòng 9 cửa hàng, Quảng Ninh 9 cửa hàng...
Theo nhân viên của hệ thống này, TokyoLife là thương hiệu Việt nhưng không hoàn toàn bán hàng Việt, và chủ động bán đa dạng mặt hàng với giá cạnh tranh. Cụ thể, quần áo, thời trang chủ yếu được sản xuất trong nước; còn mỹ phẩm, làm đẹp chủ yếu nhập từ Nhật Bản; đồ gia dụng, đồ nhựa... sản xuất từ nước ngoài, trong đó có Trung Quốc.
Để "lấy lòng khách", đơn vị thường xuyên tung ra các chương trình giảm giá, đặc biệt dịp Black Friday đang áp dụng giảm giá đến 50% cho lượng lớn sản phẩm thuộc hầu hết ngành hàng; đơn hàng từ 279.000 đồng trở lên miễn phí giao hàng.